Sinh ra mang thân phận kiếp phàm nhân, con người luôn phải chịu đau khổ. Người giàu cũng khóc, người nghèo càng khóc to hơn. Tại sao lại có đau khổ? Ý nghĩa của đau khổ trong cái nhìn của Ki-tô giáo ra sao, hãy cùng chúng tôi phân tích.
Đau khổ là gì?
Rất khó để diễn tả định nghĩa hay khái niệm về đau khổ. Tuy vậy cũng có thể nói nôm na: Đau khổ là trạng thái khó chịu, nơi mà cảm thân xác và tinh thần của con người bị ảnh hưởng tiêu cực. Gây ra những bức bối giằng xé tâm can tùy vào mức độ nặng hay nhẹ.
Đau khổ chia làm mấy loại
Có thể nói, đau khổ gây ra cho chúng ta từ hai loại, đó là đau khổ thể xác và đau khổ tinh thần.
Đau khổ thể xác là những đau đớn gây ra: vết thương, bệnh tật…. và ảnh hưởng đến tinh thần của ta.
Đau khổ về tinh thần: Là những điều khó chịu gây ra cho chúng ta từ mặt tinh thần: Thất tình, Bị sỉ nhục, hay đứng trước sự ra đi mãi mãi của người thân…
Gần đây nhất thế giới trải qua đại dịch Vũ Hán do virus Corona-19. Chúng ta đều nhận thấy rõ ràng bóng dáng của đau khổ đến từ vật chất và tinh thần. Đói cơm ăn áo mặc thường ngày, thiếu thuốc men trong điều trị, và đặc biệt là thấy sự xáo trộn của thế giới cũng như chứng kiến cảnh người thân của mình qua đời trong giai đoạn này. Nghĩ lại ai cũng rung mình khiếp sợ. Đó chính là nguyên nhân gây ra đau khổ cho chúng ta.Như thế, đau khổ dù nguyên nhân đến từ thể xác hay tinh thần đều đem lại sự khó chịu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái cảm xúc của mình.
Xem thêm bài viết
Xin Lễ Cho Người Qua Đời Hiểu Sao Cho Đúng
Đau khổ không ai có thể tránh
Đây là một thực tế phũ phàng đúng như Phật nói: Đời là bể khổ, phải, cuộc đời này là bể khổ, và chúng sanh chìm đắm trong bể khổ đó mỗi người mỗi cách. Và đau khổ sẽ theo chúng ta tới hết kiếp người. Thậm chí đau khổ còn gây trạng thái tuyệt vọng dẫn đến hình thức tự mình kết thúc kiếp phàm trần. Thật vậy, Chúa Giê-su là Chúa đã xuống thế làm người, Ngài cũng chịu đau khổ và thậm chí còn chết khổ đau trên thập giá. Đức Giêsu Kitô. Trong thư gửi tín hữu Philipphe chương 2 câu 6 đến câu 7 Thánh Phao Lô có viết: “Đức Kito vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quangmặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”..
Con người trong bể đau khổ vẫn miệt mài đi tìm nguyên nhân của đau khổ, và những tiếng kêu thấu trời: Trời ơi, tại sao tôi khổ thế này, hay là những giọt nước mắt nuốt vào trong, làm tan nát tâm can. Và nhiều phương pháp, trường phái ra đời để xoa dịu những khổ đau mà con người đang gặp phải.
Nguyên nhân đau khổ là gì
Theo Ki-tô giáo, sẽ có những nguyên nhân chính gây ra đau khổ cho cuộc đời của chúng ta
Yếu tố Chủ Quan Đau khổ gây ra do tội lỗi
Trong sách Sáng Thế Ký chương 3 câu 17-19 có đoạn viết sau khi Adam Eva phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa: “Ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”
Như thế, có thể nói khi con người vi phạm quy tắc của Thượng Đế, là con người đã bước chân vào bể khổ. Cho một ví dụ: Khi một sinh viên nữ yêu người con trai, và quan hệ trước hôn nhân dẫn đến có thai, và vì chuyện đó cô ấy phải bỏ học và bị bà con lỗi xóm lời ra tiếng vào. Vậy nguyên nhân gây ra những đau khổ đó chình là sự vi phạm luật, hay gọi là nguyên nhân do tội lỗi. Trong Kinh Thánh Tân Ước, tác giả Gioan chương 5, câu 14 có viết “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước.” ( Ga 5: 14)
Hoặc một ví dụ khác, một người lái xe bất tuân luật giao thông và gây tai nạn chết người, và phải ngồi tù. Và từ đó đánh mất tuổi thanh xuân…. Đau khổ.
Đau khổ do chính mình tự gây ra
Đây là loại đau khổ mà nhiều người quen gọi là nghiệp. Chính chúng ta tự gây đau khổ đến chúng ta. Ví dụ do cách sống buông thả, thích chơi gái gú, người đó bị nhiễm HIV, mà chúng ta biết đây là căn bệnh thế kỷ. Hoặc do uống bia rượu, gây đến tình trạng gan, thận, và khi về già sẽ lãnh hậu quả, hoặc chính vì thói quen nhậu gây nên gia đình đổ nát. Hoặc ai lỡ sa vào con đường nghiện ngập, thì đau khổ sẽ tự đến, dẫn đến những hệ lụy không hề nhỏ đến bản thân và người xung quanh. Như thế, một trong những nguyên nhân sự đau khổ đến từ chính bản thân mình.
Đau khổ đến từ người khác
Con người vốn dĩ tham, sân, si… và từ đó có thể hại nhau vì hiểu lầm, hay vì đố kỵ… Nhiều trường hợp chỉ vì ghen tị người khác xinh đẹp giỏi giang hơn mình, mà có thể hại đến họ. Làm họ rơi vào cùng quẫn đau khổ.
Đau khổ đến từ vũ trụ hay sự dữ
Đây là đau khổ do sự bất toàn của vũ trụ mà ra. Động đất, núi lửa, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh gây ra bao đau thương chết chóc. Vũ trụ vận hành với quy luật của nó, quy luật ngũ hành, âm dương…. Nếu vi phạm sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Ý nghĩa của sự đau khổ
Quả thật, đau khổ không ai tránh được, vậy sự tồn tại của vạn vật trên thế giới này đều có mục đích của nó. Vậy đau khổ tồn tại với mục đích gì? Hãy cùng mogiatoc.vn chúng tôi tim hiểu.
Đau khổ là tín hiệu cho sự sống
Con người mang 7 dục vọng: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Tuy những dục vọng có thể làm chúng ta sa đà, nhưng nó cũng là tín hiệu cảnh báo cho chúng ta. Ví dụ, đầu chúng ta tê buốt, báo hiệu cho việc stress hay có vấn đề về thần kinh. Như thế, những nỗi đau về thể xác là tín hiệu giúp chúng ta nhận ra vấn đề của cơ thể, từ đó có phương án phù hợp để điều trị.
Đau khổ giúp chúng ta gần nhau hơn
Có thể nói, một trong ý nghĩa của đau khổ là giúp chúng ta gần nhau, liên kết, bác ái với nhau hơn. Khi chúng ta gặp đau khổ, chúng ta sẽ biết đồng cảm với những người chung số phận và ra tay giúp đỡ. Ví dụ gần đây nhất ở cơn đại dịch Corona-19 gây ra, chúng ta trong cảnh khổ đó, biết chia sẻ từng chén cơm, miếng nước, bó rau, viên thuốc…. Hoặc những ai đã từng trải qua giai đoạn nghèo khó, hiểu và đồng cảm với những ai đang gặp tình cảnh của mình trước đó, đều cảm thương và trao ban. Thật thế, đau khổ giúp chúng ta đồng cảm với nhau, là sợi dây kéo anh chị em về gần, từ đó lòng nhân của mỗi con người sẽ trỗi dạy.
Đau khổ để chúng ta lớn lên
Một người từng trải là người đã trải qua những khó khăn, những cung bậc cảm xúc khác nhau trong cuộc sống. Từ đó họ lớn lên từng ngày, họ như ngọn hải đăng không tắt dù trời có bão dông. Và dĩ nhiên để đạt được điều đó, họ phải trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời. Giống như việc phải đau đớn cắt bỏ khối u trong cơ thể, để cơ thể chúng ta lớn mạnh lên. Và đau khổ giống như thử thách giúp chúng ta lớn mạnh lên. Giống như Thiên Chúa từng thử thách Giop, thử thách các thánh nhân của Ngài. Nhờ đó khi thử thách qua đi, còn lại là niềm tin kiên vững. Qua thử thách, vợ chồng sẽ hiểu nhau và gắn kết với nhau hơn. Và chúng ta thấy ý nghĩa của đau khổ là thầy dạy chúng ta lớn lên mỗi ngày.
Đau khổ giúp chúng ta khiêm tốn
Nếu không ra gió, sao biết mình đứng vững, nếu không gặp bão going, sao biết mình không gục ngã. Đau khổ không chỉ làm chúng ta lớn lên, mà đau khổ còn làm chúng ta biết khiêm tốn hơn. Có thể y khoa giờ rất phát triển, có thể điều trị được nhiều bệnh, nhờ đó kéo dài tuổi thọ con người. Tuy vậy, giới hạn của Y khoa sẽ lộ rõ khi đứng trước cửa tử. Hoặc có những sự việc xảy đến trong chính cuộc đời của mình, con cái nhìn cha mẹ đau ốm, dù có mua thuốc, tẩm bổ, cũng không làm cho sức khỏe cha mẹ tốt hơn bao nhiêu. Do đó đau khổ còn là thày dạy cho chúng ta về giới hạn của bản thân, từ đó biết chấp nhận giới hạn của tha nhân và bao dung với những lầm lỗi của họ.
Đau khổ giúp chúng ta siêu thoát
Con người thường ham mê vật chất. Đau khổ có thể giúp con người nhận ra sự chóng qua của vật chất. Từ đó, giúp chúng ta tìm được giá trị đích thật của sự vật, sự việc.
Đau khổ để đền tội chúng ta
Niềm tin Ki-tô giáo dạy rằng, con người lữ hành trần gian là giáo hội Lữ Hành sẽ tạo công phúc cho đời sau bằng hi sinh, bác ái…. Và đau khổ cũng là cách để đền tội chúng ta ở đời này. Giống như chúa Giê-su đã chịu đau khổ để đền tội cho nhân loại, thì chúng ta cũng nhờ đau khổ để đền tội những sai phạm chúng ta gây ra ở dương thế nhờ việc kết hợp với mầu nhiệm Thập Giá của Chúa. Nhờ đó đời sau chúng ta không phải vào luyện hình. Như thế đau khổ còn là phương pháp thanh luyện để đền tội chúng ta.
Đau khổ để làm sáng danh Thiên Chúa
Trong phúc âm Thánh Gioan có kể lại việc Lazaro chết, Chúa có nói “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.”(Ga 11,4) Và khi người Do thái hỏi Chúa Giêsu về trường hợp anh mù từ khi mới sinh. Anh ta bị mù là do tội anh ta hay do tội của cha mẹ anh ta? Chúa Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” (Ga 9, 3)
Như vậy, con người là học trò, đau khổ là thầy dạy. Đau khổ thực sự có ích cho con người biết lợi dụng nó. Đau khổ không những làm phương thế tinh luyện và thánh hoá con người mà còn để làm vinh danh Thiên Chúa.
Tạm kết về đau khổ
Như thế chúng ta vừa lược qua về đau khổ và nguyên nhân cũng như ý nghĩa của đau khổ theo quan điểm của Ki-tô giáo. Hi vọng bài viết này đem lại chút giá trị cho những ai đang loay hoay trong bể khổ của cuộc đời mình.
Nguồn tham khảo tại

Lý Minh Tuấn là nhà giáo với nhiều năm giảng dạy tại các đại học miền nam trước 1975. Là Thụ thụ giáo với các giáo sư danh tiếng nhất Việt Nam về triết đông. Tác giả những đầu sách nổi tiếng: Đông Phương Triết học Cương Yếu, Triết lý chữ hòa, Lão Tử đạo đức kinh giải luận,Tứ thư bình giải, Vào cửa triết Đông, Nho văn căn bản.